Thuyết con nhím – Ước mơ ở đâu ra? Cách xác định đam mê, chọn nghề nghiệp

Thuyết con nhím – Hedgehoge Concept – được giới thiệu trong cuốn Từ tốt đến vĩ đại và gần đây được áp dụng không chỉ trong kinh doanh, mà còn trong cuộc sống. Nội dung cơ bản của nó là đưa ra quyết định sự nghiệp cần dựa trên ba yếu tố: Đam mêKhả năng và Nhu cầu xã hội. Điểm con nhím (phần Hedgehog) là nơi bạn chọn được nghề nghiệp lý tưởng. Nếu chỉ có hai trong số này, chúng ta thường khó tìm được sự thoả mãn trọn vẹn. Bài viết hôm nay tập trung vào vòng tròn hồng.

Đó là một chút về lý thuyết con nhím, giờ chúng ta hãy quay trở lại với vòng tròn hồng – Đam mê. Bạn bè lứa tuổi của tôi gần như ai cũng phải chịu áp lực sự nghiệp từ cha mẹ. Và kì cục là hai mục đích ‘chọn nghiệp’ tôi hay nghe nhất là: cho nó nhàn +  cho mát mặt bố mẹ. Tôi từng nghe thế hệ 7x và 8x bị ‘đàn áp’ trở thành thế hệ bác sĩ. Còn thế hệ cuối 8x -9x đang toàn trở thành nhân viên ngân hàng và…bán hàng đa cấp (đùa chút thôi ). Hầu như việc chọn nghiệp dựa vào khả năng và mong muốn của con đều bị lờ tịt đi.

Vấn đề này gần như đã bị bỏ qua trong suốt thời tôi đi học. Tuy nhiên, gần đây, thầy Trương Nguyện Thành có các bài viết về hướng nghiệp cực kì bổ ích và quan trọng cho cả phụ huynh và các bạn trẻ. Trong đó, thầy chỉ ra 5 trường hợp về phát triển sự nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, tôi cho rằng có 4 trường hợp là do bản thân của chúng ta quyết định (dựa vào công thức ERO – thành công do mình quyết định), và đây chính là chỗ chúng ta có thể thoát sai được ngay từ đầu bằng Thuyết con nhím. Tôi mô tả 4 trường hợp đó tại đây:

IMG_1324
Trường hợp 1: Con cái lớn lên không biết mình muốn gì và từ đó hoàn toàn lệ thuộc vào định hướng của cha mẹ, nhưng khi vào học hoặc học xong thì khám phá ra nghề đó không phù hợp với con người của mình.

——————-

IMG_1326
Trường hợp 2: Con cái có ước mơ muốn theo đuổi một ngành nghề nào đó nhưng cha mẹ không đồng tình vì lý do nào đó. Thế rồi ép con mình theo học ngành mà cha mẹ định hướng, sau đó ….

——————-

IMG_1327
Trường hợp 3: Con cái cũng như cha mẹ đồng tình theo học ngành nào đó, nhưng khi vào học thì khám phá ra có ngành học khác mình thích hơn hay ngành mình đang học thật sự không phù hợp hay không có khả năng theo đuổi.

——————-

IMG_1325
Trường hợp 4: Bạn chọn học một ngành ở ĐH vì điểm đầu vào phù hợp với điểm thì của bạn chứ không phải mong muốn ban đầu của bạn. Rồi bạn khám phá ra ngành này không phù hợp với bạn tí nào …

Trong các trường hợp trên, ngoài thông tin về các ngành học, thì đam mê của con (không phải của mẹ) đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều người thành đạt cũng nói: ‘Muốn thành công hãy theo đuổi đam mê’. Tuy nhiên, nhiều bạn sẽ hỏi: ‘nhưng em hổng biết đam mê của em nó là cái gì’. May mắn là thầy Trương Nguyện Thành đã đưa ra bốn cách để xác định đam mê của mỗi người, đó chính là dựa vào đặc điểm cá nhân của chính bạn, mà tôi mô tả bằng hình vẽ sau.

Thế nhưng, trong hành trình theo đuổi đam mê, điều chắc chắn rằng bạn sẽ gặp những nhầm tưởng từ những hứng thú nhất thời. 

Tôi đã trực tiếp chứng kiến cảnh một năm trước em trai tôi mê mệt đăng kí một ngành, còn một năm sau lại kiên quyết đó không phải là đam mê. Cu cậu cuối cùng mất 1 năm đi học trường A, và một năm ôn thi lại trường B. Kết quả là khi bạn bè chuẩn bị đi thực tập thì cậu mới bắt đầu học đại cương.

Nhưng thế còn đỡ hơn em họ tôi. Bằng tuổi tôi, học hết năm thứ 4 khoa kỹ thuật rồi mới phát biểu là ”con hổng hợp ngành này”, rồi bắt bố mẹ già đang nghỉ hưu chuẩn bị tiền cho cậu đổi sang… du học Đức. Cậu sinh viên bỏ chặng đường cuối ở trường đại học Việt Nam ấy, đã bỏ thêm 2 năm lằng nhằng giấy tờ, nhưng vẫn không nhận được bất cứ giấy nhập học nào ở Đức. Giờ quay lại trường cũ cũng không được, xin đi làm cũng không xong. Haizz… Tôi thực sự khuyên bạn nào đi du học Đức hãy nghiêm túc với con đường nghề nghiệp của mình càng sớm càng tốt. Chọn du học Đức không phải là con đường cứ có tiền là đi được như những nước khác. Với tất cả các bạn du học sinh và học sinh đang chọn nghề, xin hãy nghiêm túc với cuộc đời mình từ sớm hơn, để chính chúng ta và bố mẹ bớt lo lắng và dở dang.

Kết lại, hy vọng thuyết con nhím sẽ phần nào giúp được các bạn đang chọn nghề nghiệp hoặc muốn thay đổi nghề nghiệp. Ở bước đầu tiên, bạn bắt đầu tìm ra được đam mê của mình, xin hãy nhớ lời thầy Trương Nguyện Thành như sau:

Hãy sống với những ước mơ của bạn trong những hoạt động hàng ngày của mình. Mỗi ngày một tí để những ước mơ ấy trở thành hơi thở của bạn.

Source: Flownes