Giải thích cực dễ hiểu: Marketing Funnel – Phễu Marketing

Bài viết này sẽ chỉ bạn cách làm thế nào để tạo phễu marketing mang lại nhiều khách hàng.

Phễu marketing là gì?

Phễu marketing là hệ thống được thiết kế để thu hút và chuyển đổi khách hàng cho doanh nghiệp của bạn. Nó có dạng hình phễu như vậy là vì luôn có một tỷ lệ khách hàng rớt khỏi phễu tại mỗi giai đoạn.

Một ví dụ cho bạn dễ hình dung. Giả sử bạn bán nón bảo hiểm. Nhiều người tìm mua nón bảo hiểm trên Google, bạn biết điều đó và có thứ hạng rất tốt cho từ khóa “mua nón bảo hiểm”.

  • 100 người thấy trang của bạn trên kết quả tìm kiếm
  • 40 người click vào trang của bạn. Tại đây, họ thấy khuyến mãi giảm 20% trên website của bạn, đổi lại họ phải nhập email vào khung đăng ký
  • 20 người quyết định nhận khuyến mãi này
  • 10 người quyết định mua và sử dụng mã khuyến mãi này.

4 Giai đoạn của phễu marketing

1. Nhận thức (Awareness)

Đây là giai đoạn đầu tiên của phễu marketing, là nơi những người đang gặp phải vấn đề nào đó biết về sản phẩm, công ty hoặc thương hiệu của bạn (vì bạn có liên quan tới vấn đề đó của họ).

Việc này xảy ra theo nhiều cách:

  • Họ đọc thấy bài viết của bạn trên Brandsvietnam
  • Họ nghe podcast mà bạn tham gia làm speaker
  • Họ thấy quảng cáo của bạn trên Facebook
  • Họ tìm gì đó trên Google và thấy web của bạn
  • Họ tham gia hội thảo và một trong những speaker nhắc tới bạn
  • Họ xem video của bạn trên Youtube

2. Quan tâm (Interest)

Khách hàng tiềm năng của bạn bị “hớp hồn”. Họ xem nội dụng của bạn và muốn tìm hiểu nhiều hơn. Họ đào sâu vào chủ đề.

Họ bắt đầu:

  • Dùng câu lệnh cụ thể khi tìm trên Google
  • Tìm kiếm các chuyên gia hoặc người ảnh hưởng khác để follow.

Công việc của bạn lúc này gồm 2 phần:

  • Thăng hạng cho những từ khóa này để họ thấy nội dung của mình
  • Trở thành chuyên gia mà họ muốn follow và học nhiều hơn.

Giai đoạn này mục tiêu của bạn là nhẹ nhàng chuyển họ sang giai đoạn tiếp theo bằng cách cho thấy sản phẩm của mình có thể giải quyết vấn đề.

3. Cân nhắc (Consideration)

  • Khách hàng biết vấn đề. Họ biết giải pháp. Họ biết bạn cung cấp luôn giải pháp. Nhưng điều đó không có nghĩa họ sẽ chọn bạn, khả năng cao là có nhiều lựa chọn trong tay họ. Công việc của bạn là thuyết phục họ rằng tìm đến bạn là đúng người rồi, bạn cần giúp khách hàng tiềm năng khám phá lý do họ nên chọn bạn.
  • Bạn có phải là sản phẩm dịch vụ duy nhất cung cấp giá trị này? Khả năng cao là không phải. Hãy giúp họ hiểu vì sao họ nên chọn bạn. Thể hiện thế mạnh, điểm bán hàng độc đáo ra đi.

4. Chuyển đổi (Conversion)

Khách hàng đã bị thuyết phục rằng bạn chính là giải pháp đúng đắn cho vấn đề của họ. Vậy mọi thứ bạn cần làm là cho họ 1 cú hích nhẹ – một lý do hấp dẫn để họ mua hàng.

Có nhiều thứ bạn có thể làm:

  • Sự cấp bách. Nếu sản phẩm sớm hết tồn kho, bạn có thể nhắc nhẹ họ
  • Bảo đảm quá trình đặt hàng, thanh toán êm và mượt
  • Cho một khoản chiết khấu để thuyết phục mua
  • Đây cũng là thời điểm tốt để bán gia tăng (Upsell), nghĩa là bán thêm những thứ liên quan tới sản phẩm họ đã mua.